Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2171/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH BỊ BÃI BỎ LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 29/2025/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định 107/2024/NĐ-CP ngày 20/8/2024 của Chính phủ về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này 01 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính (phụ lục kèm theo Quyết định).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bãi bỏ nội dung công bố thủ tục hành chính “Cấp phép thành lập và hoạt động tổ chức bảo hiểm tương hỗ” tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quyết định số 2044/QĐ-BTC ngày 23/9/2016 về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa trong lĩnh vực bảo hiểm thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và Quyết định số 1474/QĐ-BTC ngày 24/4/2025 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính”.

Văn phòng Bộ thực hiện việc nhập và đăng tải dữ liệu thủ tục hành chính theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát
thủ tục hành chính);
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLBH (05b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Cận

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH BỊ BÃI BỎ LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

(Kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BTC ngày 26 tháng 6 năm 2025 của Bộ Tài chính)

PHẦN I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

1. Danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

STT

Tên thủ tục hành chính

Lĩnh vực

Cơ quan thực hiện

1

Cấp phép thành lập và hoạt động tổ chức bảo hiểm tương hỗ

Bảo hiểm

Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm)

PHẦN II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

1. Thủ tục Cấp phép thành lập và hoạt động tổ chức bảo hiểm tương hỗ

- Trình tự thực hiện

+ Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ xin cấp phép

+ Bước 2: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) xem xét, thẩm định hồ sơ và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

+ Bước 3: Chủ đầu tư bổ sung, sửa đổi hồ sơ (nếu có)

+ Bước 4: Bộ Tài chính xem xét, thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp

- Cách thức thực hiện:

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ: 15 ngày (Bộ Tài chính có văn bản thông báo yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ). Chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong vòng 30 tháng kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: 60 ngày (Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc có văn bản giải thích lý do từ chối).

- Thành phần hồ sơ

+ Đơn xin cấp giấy phép theo Mẫu quy định tại Phụ lục I Thông tư 52/2005/TT-BTC. Đơn xin cấp giấy phép phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của các thành viên sáng lập;

+ Phương án hoạt động 5 năm đầu trong đó nêu rõ phương thức trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ và lợi ích kinh tế của việc thành lập tổ chức này;

+ Danh sách, lý lịch, các văn bằng được công chứng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người quản trị, người điều hành tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

+ Xác nhận về tính hợp pháp của nguồn vốn thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ, tình hình tài chính và những thông tin khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân sáng lập;

+ Quy tắc, điều khoản, biểu phí, hoa hồng bảo hiểm của loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến kinh doanh;

+ Dự thảo điều lệ bao gồm các nội dung chính được quy định tại Điều 14 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ và phù hợp với các quy định khác của pháp luật có liên quan, cụ thể: Điều 14 Nghị định 18/2005/NĐ-CP quy định.

+ Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải phù hợp với các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Điều lệ của tổ chức bảo hiểm tương hỗ do các thành viên sáng lập xây dựng khi chuẩn bị thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ và phải có chữ ký của các thành viên sáng lập.

+ Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

++ Tên và địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính của tổ chức bảo hiểm tương hỗ; biểu tượng của tổ chức bảo hiểm tương hỗ (nếu có).

++ Mục đích thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

++ Lĩnh vực, phạm vi, địa bàn hoạt động; thời gian hoạt động;

++ Xác định tư cách thành viên, quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

++ Cơ chế biểu quyết của các thành viên;

++ Tên, địa chỉ, quyền và nghĩa vụ của các thành viên sáng lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ; người đại diện trước pháp luật;

++ Vốn thành lập của tổ chức bảo hiểm tương hỗ; phương thức đóng góp, hoàn trả vốn thành lập và các chi phí liên quan đến việc thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

++ Quy chế tài chính; các nguyên tắc, cơ sở giảm phí bảo hiểm; phương thức phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

++ Cơ cấu tổ chức, bộ máy, chế độ làm việc của Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát; chế độ đãi ngộ của người quản trị, điều hành; thể thức bầu cử, thông qua quyết định; nguyên tắc Giải quyết tranh chấp nội bộ;

++ Các nội dung khác của Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ do các thành viên thỏa thuận nhưng không được trái với với quy định của pháp luật.

+ Việc hủy bỏ, thay thế, bổ sung, sửa đổi Điều lệ tổ chức bảo hiểm tương hỗ do đại hội toàn thể thành viên quyết định.

+ Biên bản họp của các thành viên sáng lập về việc thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về năng lực pháp lý của các thành viên sáng lập:

+ Đối với các thành viên sáng lập là tổ chức: bản sao có công chứng của quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

+ Đối với thành viên sáng lập là cá nhân: sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

+ Văn bản ủy quyền cho người đại diện các thành viên sáng lập.

- Số lượng hồ sơ: 1 Bản chính, 01 bản sao

- Thời hạn giải quyết: 60 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Công dân Việt Nam; Doanh nghiệp. (Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức bảo hiểm tương hỗ; Cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ).

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm)

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

- Phí, lệ phí: Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính: Không

- Yêu cầu, điều kiện

(1) Có mức vốn thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC, cụ thể:

+ Mức vốn pháp định của tổ chức bảo hiểm tương hỗ: 20 tỷ đồng;

+ Mức vốn pháp định của tổ chức bảo hiểm tương hỗ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 9 tỷ đồng.

(2) Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định (được nêu tại mục hồ sơ);

(3) Có lĩnh vực và nội dung hoạt động dự kiến phù hợp với quy định tại khoản 2, Mục I Thông tư 52/2005/TT-BTC, cụ thể:

(3.1) Nghiệp vụ Bảo hiểm:

+ Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người;

+ Bảo hiểm tài sản và Bảo hiểm thiệt hại;

+ Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;

+ Bảo hiểm xe cơ giới;

+ Bảo hiểm cháy, nổ;

+ Bảo hiểm thân tầu và trách nhiệm dân sự của chủ tầu;

+ Bảo hiểm trách nhiệm chung;

+ Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;

+ Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;

+ Bảo hiểm nông nghiệp.

(3.2) Đối tượng khách hàng: Doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong cùng một lĩnh vực, ngành nghề (sản xuất, chế biến, nuôi trồng, chuyên chở, phân phối, lưu thông, cung cấp dịch vụ và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp), có nhu cầu bảo hiểm, có quyền lợi có thể được bảo hiểm và có cùng loại rủi ro gắn liền hay xuất phát từ lĩnh vực, ngành nghề đó.

(3.3). Đối tượng bảo hiểm: Tài sản; trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba; tính mạng, sức khỏe và tai nạn của người được bảo hiểm, cụ thể:

+ Đối tượng bảo hiểm tài sản là cây trồng, vật nuôi, vật tư, hàng hóa, nguyên vật liệu; nhà xưởng, máy móc thiết bị, công cụ lao động; phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng và chế biến, lưu thông; các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

+ Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và đời sống nông thôn.

+ Đối tượng bảo hiểm con người là tính mạng, sức khỏe và tai nạn của người tham gia vào quá trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến, cung cấp dịch vụ, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

(3.4) Địa bàn hoạt động: Căn cứ vào phương án kinh doanh, nội dung hoạt động và năng lực tài chính, tổ chức bộ máy, tổ chức bảo hiểm tương hỗ có thể hoạt động trong phạm vi một tỉnh, một số tỉnh, hoặc phạm vi toàn quốc theo quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động.

(4) Có điều lệ phù hợp với quy định tại điều 14, Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ và các quy định khác có liên quan của pháp luật (được nêu tại mục hồ sơ);

(5) Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, cụ thể:

+ Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải là người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm quản lý.

+ Giám đốc (Tổng Giám đốc) của tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải là người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp, có thực tiễn quản lý kinh doanh hay quản lý nhà nước về bảo hiểm ít nhất 03 năm và phải thường trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

+ Có số lượng thành viên sáng lập không thấp hơn 10 thành viên.

- Căn cứ pháp lý:

+ Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội;

+ Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/02/2005 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.

+ Thông tư 52/2005/TT-BTC ngày 20/6/2005 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2171/QĐ-BTC năm 2025 công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực Kinh doanh bảo hiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính

  • Số hiệu: 2171/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/2025
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Tấn Cận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản