Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1396/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT QUẦN THỂ AN PHỤ - KÍNH CHỦ - NHẪM DƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
Căn cứ Nghị quyết số 1669/NQ-UBTVQH15, ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hải Phòng năm 2025;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các Tờ trình: số 91/TTr-BVHTTDL ngày 28 tháng 3 năm 2025, số 211/TTr-BVHTTDL ngày 13 tháng 6 năm 2025 và số 239/TTr-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với nhũng nội dung sau:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Quy mô và ranh giới quy hoạch
a) Quy mô quy hoạch di tích:
Quy mô lập quy hoạch được xác định trên cơ sở Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2020; theo đó diện tích lập quy hoạch tích 1.800 ha, gồm:
- Khu vực bảo vệ di tích: Khu vực bảo vệ I có diện tích 124,97 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích 1.079,44 ha.
- Khu vực đề xuất mở rộng bổ sung vùng đệm cho các điểm di tích (An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương, động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít, hang chùa Mộ) có diện tích 521,98 ha và 73,61 ha bổ sung mở rộng để hình thành khu trung tâm đón tiếp cho quần thể di tích.
b) Ranh giới quy hoạch được xác định như sau: Phía Bắc giáp phường Bắc An Phụ, phường Phạm Sư Mạnh, phường Nhị Chiểu, sông Kinh Thầy và sông Đá Vách; phía Nam giáp phường Trần Liễu, xã Nam An Phụ và phường Kinh Môn; phía Đông giáp phường Nhị Chiểu, phường Phạm Sư Mạnh, phường Kinh Môn và sông Đá Vách; phía Tây giáp phường Bắc An Phụ, xã Nam An Phụ và sông Kinh Thầy (các xã, phường được xác định theo Nghị quyết số 1669/NQ-UBTVQH15 ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
Ranh giới cụ thể được xác định trong quá trình rà soát, đối chiếu, cập nhật điều chỉnh và tổ chức cắm mốc trên thực địa theo quy định của pháp luật.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Bảo tồn, gìn giữ lâu dài các yếu tố gốc cấu thành di tích, các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, với tư cách là một hợp phần của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, góp phần bảo tồn sự toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới trong tương lai.
b) Phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; tổ chức hệ thống giao thông nội bộ kết nối các cụm, điểm di tích thành một tổng thể thống nhất; kết nối quần thể di tích này với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh góp phần phát triển chương trình du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của tỉnh nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; hình thành chuỗi di sản liên vùng và phát huy tối đa giá trị di tích.
c) Xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để cắm mốc giới và quản lý di tích theo khoanh vùng bảo vệ. Xác định các khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Quy hoạch, tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
d) Làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự phù hợp với những đồ án quy hoạch khác có liên quan.
đ) Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đề xuất mô hình và cấp độ quản lý Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, vai trò quản lý, quy mô đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quy hoạch điều chỉnh quy mô Quần thể di tích
Điều chỉnh diện tích khoanh vùng bảo vệ, phát huy giá trị Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là 1.800 ha, trong đó: Khu vực bảo vệ I, diện tích 124,97 ha; Khu vực bảo vệ II, diện tích 1.079,44 ha và Khu vực đề xuất mở rộng, bổ sung vùng đệm cho các điểm di tích, gồm: An Phụ, Kính Chủ, Nhẫm Dương, động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít, hang chùa Mộ diện tích 521,68 ha và phần diện tích 73,61 ha mở rộng bổ sung để hình thành khu trung tâm đón tiếp cho quần thể di tích. Cụ thể:
a) Khu di tích đền Cao An Phụ: Điều chỉnh mở rộng diện tích thành 999,47 ha; trong đó:
- Điều chỉnh tăng 0,63 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ I lên thành 36,63 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể: bổ sung phần diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Gạo gắn kết với tổng thể khu di tích đền Cao An Phụ, thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Điều chỉnh tăng 3,04 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 864,88 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể: bổ sung phần diện tích hoàn chỉnh khuôn viên chùa Gạo, để xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ phát huy giá trị di tích, gồm: phục dựng kho lương thời Trần, sân đường nội bộ, khuôn viên vườn chùa và hạ tầng kỹ thuật di tích...; bổ sung một phần đất đồi núi thuộc dãy núi Yên Phụ, khu vực bãi đỗ xe, nhà dịch vụ,... bảo đảm thuận lợi cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Bổ sung khoảng 97,96 ha phần diện tích về phía Đông để mở rộng vùng đệm di tích đền Cao An Phụ, bao gồm: diện tích đất đồi núi thuộc dãy núi An Phụ, một phần khu dân cư hiện hữu thuộc phường Phạm Sư Mạnh, khu vực bãi đỗ xe tập trung, đường giao thông, khu đón tiếp - dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật di tích... bảo đảm phù hợp quy hoạch chung đô thị, hạn chế việc giải tỏa khu dân cư hiện hữu, hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
b) Khu di tích động Kính Chủ: Điều chỉnh mở rộng diện tích thành 307,53 ha; trong đó:
- Điều chỉnh giảm khoảng 4,43 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ I xuống còn 51,67 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể: Thu hẹp phần diện tích tại khu vực phía Bắc di tích tiếp giáp sông Kinh Thầy để chuyển sang Khu vực bảo vệ II di tích, nhằm tái hiện lại một phần mô hình không gian khu chợ nổi thương cảng Kinh Môn, nơi các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về một thương cảng khi xưa từng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập “trên bến dưới thuyền”, không gian mặt nước, bổ sung cây xanh nhằm phục hồi, tôn tạo cảnh quan khu vực... thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Điều chỉnh tăng khoảng 62,85 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 88,05 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), bao gồm: phần diện tích khu vực khu chợ nổi thương cảng Kinh Môn, khu vực bến thuyền du lịch Lĩnh Đông, khu dịch vụ giới thiệu các sản phẩm của địa phương (nhà điều hành, nhà đón tiếp - bắt mạch, khu vườn thuốc nam, các gian hàng trưng bày đặc sản địa phương...), khu vực bãi đỗ xe... để hình thành không gian cảnh quan và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật di tích, thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Bổ sung khoảng 167,81 ha phần diện tích mở rộng vùng đệm cho di tích động Kính Chủ, bao gồm: khoanh vùng bảo vệ một phần diện tích khu dân cư hiện hữu và dân cư mới phường Phạm Sư Mạnh, diện tích đất lúa, khu vực dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy nhằm khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch tại đoạn sông Kinh Thầy (dài khoảng 4,5km), khai thác tuyến tham quan bằng thuyền du lịch loại nhỏ, khu vực xây dựng các nhà vườn, khu vực bán và giới thiệu đặc sản của địa phương, quy hoạch khuôn viên cảnh quan sinh thái... dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy (đoạn chảy qua di tích), hình thành không gian cảnh quan sinh thái vùng đệm bảo vệ di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
c) Khu di tích chùa Nhẫm Dương: Điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích thành 248,36 ha; trong đó:
- Điều chỉnh tăng 12,18 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ I lên thành 24,04 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể: bổ sung phần diện tích về phía Tây và Tây Nam chùa Nhẫm Dương để khoanh vùng bảo vệ hệ thống hang động núi Nhẫm Dương; mở rộng về phía Đông và Đông Nam di tích để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục chùa Nhẫm Dương, gồm: khu Tam bảo, nhà Tổ, khu giảng đường Phật học, khu vườn thiền, khu tứ động tâm,...; tôn tạo các hạng mục phụ trợ phát huy giá trị di tích, nhằm chỉnh trang hoàn thiện không gian cảnh quan khu vực chùa.
- Điều chỉnh tăng 35,54 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ II lên thành 69,84 ha (so với diện tích trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể: bổ sung diện tích khu vực trải nghiệm tu học Phật giáo, khu phục hồi cảnh quan, nghiên cứu động thực vật hoang dã, quần thể núi và hang động Nhẫm Dương; khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và công viên sinh thái - cây xanh hình thành không gian vùng đệm “xanh” chuyển tiếp giữa khu vực dân sinh với khu vực bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên tại khu di tích.
- Bổ sung 154,48 ha phần diện tích mở rộng vùng đệm cho di tích chùa Nhẫm Dương, bao gồm: diện tích khu vực núi Hoa Nghiêm và khoanh vùng bảo vệ một phần dân cư hiện hữu thuộc phường Nhị Chiểu, khu vực đất dự trữ phát triển,... để hình thành không gian cảnh quan xanh bảo vệ công trình di tích và khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
d) Khu di tích hang chùa Mộ: Điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích thành 113,29 ha; trong đó:
- Điều chỉnh giảm khoảng 14,67 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ I còn 5,13 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích), cụ thể: Thu hẹp một phần diện tích trong khu vực mỏm phía Bắc thuộc dãy núi Ngang để khoanh vùng bảo vệ chùa Mộ và hang Thung Tấc.
- Bổ sung mở rộng 41,77 ha phần diện tích Khu vực bảo vệ II di tích, bao gồm: phần còn lại của mỏm núi thuộc dãy núi Ngang, toàn bộ diện tích núi hang Ma và hang Luồn, diện tích đất lúa, một phần đất dân cư nông thôn hiện hữu thuộc phường Nhị Chiểu, khu vực bãi đỗ xe, khu dịch vụ... hình thành không gian cảnh quan bảo vệ công trình di tích.
- Bổ sung khoảng 66,39 ha phần diện tích mở rộng vùng đệm cho di tích hang chùa Mộ, gồm: diện tích một phần núi Ngang, một phần khu dân cư hiện hữu thuộc phường Nhị Chiểu, khu vực đất hỗn hợp, đất hạ tầng kỹ thuật... để hình thành không gian xanh và khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
đ) Khu di tích động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít: Điều chỉnh quy hoạch mở rộng diện tích thành 57,74 ha; trong đó:
- Điều chỉnh giảm khoảng 21,8 ha phần diện tích của Khu vực bảo vệ I xuống còn 7,5 ha (so với diện tích trong hồ sơ xếp hạng di tích), bao gồm: phần lớn diện tích đồi núi cảnh quan đã bị khai thác đá trong thời gian trước đây; khoanh vùng bảo vệ các hạng mục chùa Hàm Long, điện thờ Mẫu, động Tâm Long, hang Đốc Tít; khoanh vùng bảo vệ phần còn lại của núi Khánh Nghiêm và một phần khu vực núi Minh Tân thuộc phường Nhị Chiểu, thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Bổ sung mở rộng khoảng 14,9 ha phần diện tích cho Khu vực bảo vệ II di tích, bao gồm: khu vực cảnh quan, không gian mặt nước, khu vực dịch vụ đón tiếp; khu vực tôn tạo đền thờ danh tướng Yết Kiêu, nhà đón tiếp, khu dịch vụ, không gian cảnh quan hồ Tâm Long, Lưu Ly Viên,...
- Bổ sung khoảng 35,34 ha phần diện tích mở rộng vùng đệm cho di tích động Hàm Long - Tâm Long - hang Đốc Tít, bao gồm: khu vực núi Minh Tân, diện tích đất lúa, không gian khu vực dịch vụ, một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản đang còn hạn cấp phép, góp phần hình thành không gian xanh bảo vệ công trình di tích và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
e) Khu trung tâm đón tiếp: Bổ sung phần diện tích 73,61 ha để hình thành Khu trung tâm đón tiếp của Quần thể di tích (tại khu vực giữa đền Cao An Phụ và động Kính Chủ) nhằm kết nối hệ thống giao thông giữa các cụm, điểm di tích thành một tổng thể thống nhất.
2. Quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích
a) Định hướng bảo tồn, phát triển chung:
- Bảo tồn nghiêm ngặt và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với tư cách là tài nguyên du lịch, góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức không gian Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thành 06 khu vực tạo thuận lợi cho việc bảo tồn, gìn giữ các di tích gốc, các di chỉ, hiện vật khảo cổ đã phát lộ và còn nằm trong các hang động khu vực Kính Chủ và Nhẫm Dương.
- Phục hồi các hạng mục công trình vốn có của quần thể di tích; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, xây dựng bổ sung các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích; tổ chức hệ thống giao thông kết nối liên hoàn các điểm di tích trong cùng một quần thể, giúp cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích được thuận lợi; hình thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng miền, phục vụ Nhân dân, du khách trong tỉnh và cả nước.
- Nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch văn hóa, các sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng gắn với việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa vùng miền; khai thác tiềm năng khảo cổ học, môi trường cảnh quan, danh lam thắng cảnh, nâng tầm giá trị của di tích như một điểm đến của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế; trở thành một trong những trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn du khách.
b) Tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan:
- Định hướng quy hoạch Khu di tích An Phụ:
+ Thực hiện khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Gạo gắn kết với tổng thể Khu di tích đền Cao An Phụ để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích;
+ Tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình tại Khu di tích đền Cao An Phụ; phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình vốn có của di tích trên cơ sở tư liệu khoa học, bao gồm: đền Cao An Phụ, chùa Tường Vân, cổng tứ trụ xuống chùa Gạo, tu bổ chùa Gạo (phục dựng kho lương thời Trần), bàn cờ tiên, sân đón tiếp, phương đình, nhà mẫu, lầu cô, nhà bia, lầu vọng cảnh, cổng tứ trụ, bãi xe chùa Gạo, nhà dịch vụ, nhà Ban quản lý di tích, bãi xe trung tâm,... cùng với sân, đường nội khu, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật di tích (giao thông, san nền, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường...);
+ Tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan hai bên đường lên đền Cao An Phụ, hình thành các điểm dừng nghỉ ngắm cảnh cho du khách. Xác định khoanh vùng bảo vệ vị trí “bàn cờ tiên trên đỉnh núi Yên Phụ”. Nghiên cứu, đề xuất tuyến du lịch bằng tàu điện hoặc cáp treo (khi có đủ cơ sở), tuyến du lịch đi bộ trải nghiệm không gian rừng tự nhiên gắn với các điểm dừng chân, ngắm cảnh khu vực đồng bằng ven sông Kinh Thầy, núi Dương Nham, núi Lĩnh Đông...
- Định hướng quy hoạch Khu di tích động Kính Chủ:
+ Bảo tồn hệ thống hang động, cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái khu vực núi Dương Nham và núi Lĩnh Đông. Dịch chuyển các hạng mục thờ tự do nhân dân tự phát xây dựng trong hang động ra phía bên ngoài; tôn tạo cảnh quan của danh lam thắng cảnh, vốn là nơi tạo nguồn cảm hứng thơ ca của các vua chúa, quan lại, danh nhân, thi sĩ, tao nhân mặc khách... đã khắc ghi trên vách đá truyền lại đến ngày nay;
+ Bảo quản, tu bổ, gìn giữ lâu dài Bảo vật quốc gia Hệ thống 47 bia ma nhai có niên đại từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX trên vách động Kính Chủ;
+ Phục dựng tôn tạo khu chùa Dương Nham, am thờ Lý Thần Tông, khu đền thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, đền thờ Phạm Sư Mạnh, thư viện Vân Nham (vườn văn học nghệ thuật) - nơi tổ chức các cuộc thi sáng tác văn chương thơ ca, hội họa, nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của tiền nhân;
+ Bảo tồn, phục dựng mô hình làng nghề chế tác đá Kính Chủ, nơi lưu giữ nghề chế tác đá truyền thống từ thế kỷ XV của địa phương; tái hiện một phần mô hình không gian khu chợ nổi Kinh Môn, nơi các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về một thương cảng khi xưa từng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập “trên bến dưới thuyền”... Mở rộng không gian mặt nước, bổ sung cây xanh nhằm phục hồi, tôn tạo cảnh quan khu vực;
+ Tôn tạo, xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, phục vụ phát huy giá trị di tích (lối chính vào di tích, lối lên động Kính Chủ, nhà ban quản lý, bãi đỗ xe tập trung, khu trồng cây lưu niệm, điểm tiếp đón và bia biển giới thiệu di tích, khu dịch vụ, bến thuyền phục vụ du lịch, quảng trường văn hóa - thể dục - thể thao, hồ Tịnh Thủy, đường dạo bộ trên núi Dương Nham...); quy hoạch vườn cây thuốc nam; chỉnh trang bổ sung hệ thống cây xanh;
+ Quy hoạch cảnh quan sinh thái, xây dựng các nhà vườn, khu vực bán và giới thiệu đặc sản của địa phương... tại khu vực dọc hai bên bờ sông; khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch tại đoạn sông Kinh Thầy chảy qua khu vực di tích động Kính Chủ, dài khoảng 4,5km; bố trí tuyến tham quan bằng thuyền du lịch loại nhỏ;
- Định hướng quy hoạch Khu di tích Nhẫm Dương:
+ Bảo tồn hệ thống hang động núi Nhẫm Dương, núi Ngang, núi Hoa Nghiêm, núi Yên Ngựa, hòn Nhạc Ngựa...;
+ Tu bổ, phục hồi chùa Nhẫm Dương (gồm: nhà Tổ, khu giảng đường Phật học, khu tứ động tâm, khu lễ hội và dịch vụ, khu trải nghiệm tu học Phật giáo); tôn tạo các hạng mục phục vụ phát huy giá trị di tích, gồm: khu phục hồi cảnh quan, nghiên cứu động thực vật hoang dã, quần thể núi và hang động Nhẫm Dương (trong đó, bảo tồn nguyên trạng các hang động: Thánh Hóa, Tĩnh Niệm, Tối, Bò Lê...; loại bỏ các bàn thờ xây dựng tự phát bên trong hang động); xây dựng bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật liên quan.
+ Nghiên cứu, xây dựng công viên khảo cổ học tại phía Tây và Tây Bắc núi Nhẫm Dương, trở thành nơi bảo quản, trưng bày di tích ngoài trời, kết hợp trưng bày trong nhà và trưng bày bổ sung.
+ Xây dựng lộ trình phù hợp để dừng mọi hoạt động khai thác đá, khoáng sản trong khu vực di tích; thực hiện tôn tạo, phục hồi cảnh quan, tạo lập nghiên cứu sinh học, cứu hộ động vật của địa phương. Xây dựng khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, động thực vật, khu công viên sinh thái - cây xanh cách ly góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan tự nhiên tại di tích.
- Định hướng quy hoạch Khu di tích hang chùa Mộ:
+ Bảo tồn hệ thống các hang động, gồm: hang Mộ, hang Thung Tấc, hang Luồn, hang Ma...;
+ Phục dựng, tôn tạo chùa Mộ (Quang Phúc Tự) với các hạng mục chính: Chùa chính, Tam quan, gác chuông, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, vườn tháp, nhà Ni, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật...;
+ Tu bổ, tôn tạo miếu hang Ma cùng với cảnh quan sân vườn, đường dạo, chòi nghỉ, khu dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật...
- Định hướng quy hoạch Khu di tích Động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít:
+ Bảo tồn nguyên trạng hệ thống hang động trong quần thể động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít;
+ Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình chùa Hàm Long, điện thờ Mẫu, đền thờ danh tướng Yết Kiêu, tượng đài Đốc Tít; xây dựng các công trình phụ trợ gồm: nhà đón tiếp dịch vụ, khu dịch vụ ẩm thực chay, không gian cảnh quan hồ Tâm Long, Lưu Ly Viên, quảng trường, bãi đỗ xe...;
+ Hình thành các phân khu chức năng, nghỉ dưỡng, gồm: khu công viên cây xanh, khu trồng và chế biến các loại cây thuốc nam. Bố trí khu vực kinh doanh, giới thiệu sản vật địa phương, khu ẩm thực chay... về phía Tây và Tây Bắc của di tích qua núi Khánh Nghiêm.
- Định hướng quy hoạch Khu trung tâm đón tiếp:
+ Bố trí Khu trung tâm đón tiếp tại khu vực giữa đền Cao An Phụ và động Kính Chủ, bảo đảm thuận lợi về các hướng tiếp cận giao thông đến và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, thể dục thể thao... cho nhân dân khu vực.
+ Các hạng mục chính của Khu trung tâm đón tiếp gồm: Nhà điều hành và trung tâm hội nghị - hội thảo, nhà quản lý - đón tiếp, khu quảng trường văn hóa (sân khấu - phù điêu - tranh hoành tráng), khu hội chợ - dịch vụ thương mại, các quầy dịch vụ đồ lễ, đồ lưu niệm, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe điện, bãi đỗ xe trung tâm... kết hợp với không gian mặt nước và cây xanh cảnh quan.
3. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
- Khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên sẵn có như: Hệ thống núi đá, hang động, sông ngòi, hệ sinh thái tự nhiên, di tích, di chỉ khảo cổ học, danh lam thắng cảnh... để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan, khám phá môi trường, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật... trong phạm vi quần thể di tích và khu vực lân cận;
- Phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghiên cứu khảo cổ gắn với hoạt động điền dã, điều tra và thực hành thăm dò, khai quật khảo cổ tại Khu di tích Kính Chủ, Nhẫm Dương, động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít, hang chùa Mộ;
- Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như: du lịch thiền gắn với trải nghiệm ẩm thực chay, tham gia các khóa tu tập, an cư kiết hạ...; đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác lợi thế của làng quê nông nghiệp, tìm hiểu văn hóa - lịch sử, phong tục tập quán, trải nghiệm đồng quê, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương
- Các sản phẩm du lịch được hỗ trợ thông qua hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến quần thể di tích.
b) Phát triển các tuyến du lịch, chương trình tham quan du lịch
Xây dựng các tuyến du lịch, chương trình tham quan du lịch trên cơ sở lấy các di tích gốc, yếu tố môi trường, cảnh quan tự nhiên tạo nên giá trị của Quần thể di tích làm hạt nhân trong phát triển du lịch và tổ chức các tuyến du lịch theo chuyên đề gia tăng trải nghiệm cho du khách.
- Nghiên cứu, hình thành tuyến du lịch tham quan nội khu trong cùng quần thể di tích; trải nghiệm tham quan, ngắm cảnh dãy núi Yên Phụ bằng tuyến đi bộ (Trekking) lên đỉnh núi, đu dây trượt (Zipline) từ đỉnh núi xuống, tuyến tàu điện (tàu kéo cáp) hoặc cáp treo (nếu có)...
- Khai thác tuyến du lịch bằng thuyền tham quan sông Kinh Thầy (đoạn chảy qua khu vực di tích Động Kính Chủ); dọc hai bên bờ sông Kinh Thầy, núi Dương Nham và núi Lĩnh Đông được quy hoạch khu nghỉ dưỡng sinh thái, xây dựng các khu nhà vườn, khu vực bán và giới thiệu đặc sản của địa phương...
- Hình thành các tuyến tham quan trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm du lịch đồng quê trên cơ sở kết nối Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với các điểm đến khác tại khu vực lân cận.
- Hình thành tuyến du lịch chuyên đề khảo cổ học, lịch sử, văn hóa kết nối di tích động Kính Chủ - chùa Nhẫm Dương với các di tích khảo cổ khác trên địa bàn và toàn vùng Đông Bắc.
c) Xây dựng cơ sở vật chất, tuyên truyền, quảng bá du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch
- Xây dựng, phát triển đồng bộ các khu chức năng, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại các điểm tham quan, khu vực lưu trú.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực ngành du lịch địa phương; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích thông qua mạng xã hội, internet và phương tiện thông tin đại chúng.
- Xây dựng trang điện từ xúc tiến du lịch, phục vụ tìm hiểu thông tin về giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích bằng nhiều ngôn ngữ. Kết hợp với Ban Chuyên đề - Khoa giáo để làm các phim khoa học lịch sử - văn hóa về quần thể di tích...
4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
a) Quy hoạch giao thông
- Giao thông đối ngoại: Chỉnh trang, cải tạo nâng cấp các tuyến đường kết nối khu vực di tích (đường N1, đường D2, đường D3 và đường 17B) theo định hướng Quy hoạch chung thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
- Giao thông nội bộ:
+ Hệ thống mạng đường trong khu quy hoạch và phụ cận có các điểm nút giao thông đầu mối đảm bảo mối liên hệ giao thông từ bên trong khu vực nghiên cứu ra các khu vực phụ cận. Các tuyến đường đảm bảo sự đấu nối hợp lý không gây ra ách tắc giao thông trong tương lai;
+ Thiết lập mạng lưới giao thông nội bộ tại các khu chức năng trong khu vực quy hoạch di tích. Bố trí các bãi đỗ xe trung chuyển, bến xe buýt, bến xe điện, nhà chờ xe, tuyến đi bộ, tuyến tàu kéo cáp hoặc cáp treo (nếu có),... phục vụ khách tham quan di tích phù hợp.
- Giao thông tĩnh: Bố trí các bãi đỗ xe cho các điểm di tích tại 06 khu vực gồm: Khu I (đền Cao An Phụ), khu II (động Kính Chủ), khu III (chùa Nhẫm Dương), khu IV (hang chùa Mộ), khu V (động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít), khu VI (khu Trung tâm đón tiếp).
b) Chuẩn bị kỹ thuật và san nền
- Thiết kế san nền tuân thủ các quy hoạch có liên quan trong khu vực di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với cao độ hiện trạng; bảo đảm khống chế cao độ, độ dốc các tuyến đường theo quy hoạch và phù hợp với hệ thống thoát nước thiết kế.
- Cao độ san nền được thiết kế bảo đảm yêu cầu thoát nước và phù hợp với cao độ khống chế chung của khu vực xung quanh. Bảo đảm hướng thoát nước dốc về các kênh, đầm cũng như hệ thống thoát nước hiện trạng.
- Thiết kế san nền tại Quy hoạch này để tạo mặt bằng xây dựng, cần hoàn thiện thiết kế san nền bảo đảm phù hợp với mặt bằng bố trí công trình, sân đường và hệ thống thoát nước của các ô đất dự kiến xây dựng.
c) Quy hoạch cấp điện, chiếu sáng và thông tin liên lạc
- Về cấp điện:
+ Nguồn điện cấp cho khu vực di tích lấy từ đường điện hiện có hoặc các trạm biến áp xây dựng mới theo quy hoạch cấp điện; bảo đảm công suất trạm biến áp; thực hiện ngầm hóa hệ thống cấp điện.
+ Xây dựng mới đường cáp ngầm trung thế để cấp điện cho các trạm biến áp thiết kế mới và các trạm biến áp hoàn trả hiện trạng; đường dây cáp ngầm 0,4kV từ các trạm biến áp tới tủ điện tổng đặt trong khu đất cần cấp điện. Tại tủ điện tổng sẽ phân nhánh để cấp điện đến các điểm sử dụng.
+ Thiết kế phương án cấp điện càn phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển chung của khu vực; bảo đảm tiếp đất an toàn với các nguồn cấp và cột điện.
- Về chiếu sáng đường giao thông:
+ Xây dựng mới đường dây cáp ngầm 0,4 kV từ các trạm biến áp tới tủ điều khiển chiếu sáng; thực hiện phân nhánh nguồn cấp tại tủ điều khiển đến các điểm đèn chiếu sáng.
+ Sử dụng các tủ chiếu sáng có chế độ tiết kiệm điện năng tự động điều chỉnh bớt số lượng đèn chiếu sáng theo thời gian sử dụng trong ngày. Cột đèn chiếu sáng đường phố sử dụng đèn bóng LED hiệu suất cao, phù hợp với tiêu chuẩn chiếu sáng lòng đường.
- Về chiếu sáng công trình, cảnh quan:
+ Nguồn điện chiếu sáng công trình, cảnh quan được bố trí đi ngầm; nguồn cấp lấy từ tủ điện hạ thế tổng trong công trình;
+ Chiếu sáng các điểm thờ cúng bằng loại đèn Led có ánh sáng phù hợp với di tích; chiếu sáng nhà khách, các công trình phục vụ khách thăm quan, sân đường bằng đèn Led, đèn hắt Led hoặc đèn pha; bảo phù hợp với cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan di tích.
d) Thông tin liên lạc:
- Thiết kế phương án cấp thông tin phù hợp với định hướng phát triển chung của khu vực; bảo đảm đáp ứng nhu cầu về sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân và các cơ quan, đơn vị trong khu vực quy hoạch.
- Bố trí các trạm thông tin liên lạc; phát triển hệ thống mạng không dây bảo đảm khả năng sử dụng mạng Internet băng rộng, tốc độ cao đến người dân và khách du lịch trong khu vực di tích; bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống cáp thông tin liên lạc khu vực và với tuyến cáp quốc gia.
đ) Quy hoạch cấp nước:
- Cấp nước: Hướng tuyến mạng lưới cấp nước về cơ bản tuân theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm cấp đủ nước cho từng lô đất trong khu di tích. Mạng lưới cấp nước được thiết kế theo kiểu mạng vòng kết hợp mạng nhánh
- Cấp nước cứu hỏa: Các họng cứu hỏa được bố trí gần ngã ba, ngã tư hoặc trục đường lớn, đấu nối với đường ống cấp nước phân phối có đường kính từ D110 trở lên, bảo đảm quy chuẩn, thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Thoát nước:
+ Thiết kế hệ thống thoát nước riêng giữa thoát nước mưa và thoát nước thải; bảo đảm theo nguyên tắc tự chảy và phù hợp với hệ thống thoát nước theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước trong khu vực di tích, đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước thải chung của khu vực.
+ Hệ thống thoát nước phải đảm bảo đầy đủ và đồng bộ từ tuyến thoát nước đến hố ga thu nước, cống, giếng thăm đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Vệ sinh môi trường: Rác thải, chất thải rắn được phân loại tại nguồn. Bố trí các điểm tập kết rác thải phù hợp với cảnh quan tại khu vực quy hoạch; các trạm thu gom, trung chuyển trong khu vực di tích bảo đảm vệ sinh, an toàn, phù hợp với không gian cảnh quan chung của khu vực.
5. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư:
a) Các nhóm dự án thành phần gồm:
- Nhóm dự án số 1: Giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới bảo vệ di tích (trong phạm vi của đồ án chỉ tính chi phí giải phóng mặt bằng phần đất mở rộng để xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di tích).
- Nhóm dự án số 2: Khai quật khảo cổ tại Khu di tích động Kính Chủ và Khu di tích Nhẫm Dương.
- Nhóm dự án số 3: Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích gốc và xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ phát huy giá trị di tích, gồm: Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các Khu di tích Đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương, hang Chùa Mộ, động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít, khu trung tâm tiếp đón.
- Nhóm dự án số 4: Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ - thuật khu di tích (giao thông, san nền, cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc... kết nối các điểm di tích).
- Nhóm dự án số 5: Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Nhóm dự án số 6: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư:
- Thời gian thực hiện quy hoạch: Từ năm 2025 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó:
+ Giai đoạn 2025 - 2030: Triển khai thực hiện cắm mốc giới bảo vệ di tích (Nhóm dự án số 1); tổ chức khai quật khảo cổ tại một số địa điểm thuộc khu vực bảo vệ di tích (Nhóm dự án số 2) phục vụ cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích; bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích gốc, các công trình chính và công trình phụ trợ phát huy giá trị thuộc khu vực bảo vệ di tích; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi kèm (Nhóm dự án số 3). Thực hiện bằng nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phường.
+ Giai đoạn 2030 - 2035: Tiếp tục triển khai thực hiện công tác khai quật khảo cổ thuộc Nhóm dự án số 2; xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc Nhóm dự án số 4; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc Nhóm dự án số 5; phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích thuộc Nhóm dự án số 6. Thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa.
- Công tác giải phóng mặt bằng thuộc Nhóm dự án số 1 sẽ được triển khai trong nhiều giai đoạn đầu tư (tùy theo tiến độ của các dự án đầu tư tương ứng) và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.
- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ yêu cầu thực tế về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phường và khả năng huy động vốn xã hội hóa:
+ Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án có tính chất động lực để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan;
+ Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án).
c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch bao gồm vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:
- Vốn ngân sách trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gốc của Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Nhóm dự án số 2, số 3) và khả năng cân đối của ngân sách trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công và ngân sách nhà nước.
- Vốn từ nguồn ngân sách địa phương bố trí cho việc thực hiện các Nhóm dự án số 1, 3, 4, 5 và 6; dự án xây dựng các công trình phụ trợ, phát huy giá trị di tích (thuộc Nhóm dự án số 2); căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối của địa phương.
- Vốn sự nghiệp dành cho các công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể, bổ sung tài liệu, hiện vật; nâng cao năng lực quản lý...
- Các nguồn vốn khác: Từ nguồn công đức và thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tại di tích; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý quy hoạch
- Quản lý theo phân vùng quy hoạch; quản lý xây dựng, sử dụng, phát huy giá trị công trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Nâng cao công tác giám sát triển khai quy hoạch sử dụng đất khu vực quy hoạch. Các quy hoạch khác liên quan được lập sau khi Quy hoạch này được phê duyệt cần phù hợp với Quy hoạch này.
- Tăng cường phối hợp liên ngành để khai thác hiệu quả các giá trị của di tích gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực di tích.
b) Giải pháp huy động đầu tư
- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo mô hình “hợp tác công - tư” để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị, phát triển du lịch tại khu di tích. Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch tại khu vực di tích.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích.
c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích
- Xây dựng chương trình và tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bổ sung, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại khu di tích; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và tham gia bảo vệ di tích.
- Hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di tích. Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho cộng đồng và doanh nghiệp.
d) Giải pháp về bộ máy quản lý, cơ chế, chính sách
- Nâng cao năng lực của ban quản lý di tích; có giải pháp bổ sung nguồn nhân lực và phương tiện cho khu di tích để đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý.
- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư làm tốt công tác giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.
- Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn di tích.
đ) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng:
- Tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư nâng cao vai trò và chủ động, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
- Tăng cường truyền thông, giáo dục về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng địa phương tham gia vào thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của di tích.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương (Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội)
a) Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật liên quan.
b) Tổ chức công bố công khai Quy hoạch bằng các hình thức phù hợp, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai thực hiện. Tiến hành rà soát, đối chiếu, xác định chính xác, cập nhật điều chỉnh và cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trên bản đồ và trên thực địa; cập nhật ranh giới, diện tích Quy hoạch Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và kế hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với từng thời kỳ.
c) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
d) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tài liệu, cứ liệu khoa học lịch sử - văn hóa về Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, về bảo tồn và phát huy giá trị di tích về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.
đ) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ quy định của Quy hoạch được phê duyệt và quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng.
e) Chịu trách nhiệm toàn diện đối với đề xuất về phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có); chỉ đạo việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi khu vực quy hoạch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; chịu trách nhiệm về nội dung số liệu báo cáo và đề xuất kiến nghị tại các Tờ trình: số 91/TTr-BVHTTDL ngày 28 tháng 3 năm 2025, số 211/TTr-BVHTTDL ngày 13 tháng 6 năm 2025 và số 239/TTr-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2025.
b) Lưu giữ và lưu trữ hồ sơ quy hoạch được duyệt; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan,
c) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các dự án thành phần thuộc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc nội dung Quy hoạch được duyệt.
d) Phối hợp, hướng dẫn việc kết nối tuyến du lịch gắn di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương trên hành trình du lịch Di sản Thế giới “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”, góp phần phát huy hiệu quả giá trị của di tích.
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và địa phương liên quan trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nội dung Quy hoạch phù hợp với kế hoạch thực hiện được duyệt và khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn địa phương việc cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào phương án sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, phù hợp với thời kỳ quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho địa phương triển khai thực hiện Quy hoạch theo lĩnh vực ngành quản lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Quyết định 1977/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Đầu tư công 2024
Quyết định 1396/QĐ-TTg năm 2025 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1396/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/06/2025
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Mai Văn Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra